XÂY DỰNG PODCAST – XU HƯỚNG AUDIO CONTENT MANG ĐẬM DẤU ẤN CÁ NHÂN
Theo số liệu của Adtima, người Việt dành trung bình 16 tiếng mỗi tuần cho việc dùng các thiết bị âm thanh trong lúc làm việc, học hành, mua sắm, ăn uống, lái xe, tập thể thao…Và mảnh đất nội dung âm thanh còn vô cùng màu mỡ.
Hình thức của Audio content (truyền thông bằng âm thanh) đã xuất hiện từ rất lâu. Bắt đầu từ thời chiến tranh, những tín hiệu truyền thông đầu tiên được quân đội truyền đi bằng mật mã Morse với tiếng “tít… te” và người nhận được tín hiệu sẽ giải mã bằng bảng chữ cái tương ứng. Hiện đại hơn vào những năm 8x, 9x là hình thức đài radio, FM 99.9 dùng để phát nhạc, kể chuyện là các kênh giải trí chính dành cho mọi người.
Đến nay, chúng ta có sự xuất hiện của Podcast. Theo Wiki: Thuật ngữ Podcast được ghép bởi 2 từ iPod (một nhãn hiệu thiết bị nghe nhạc) và Broadcast (phát sóng).
1. Podcast là gì?
Podcast là một kênh âm thanh nơi dụng âm thanh truyền tải thông tin, nói nôm na đây chính là nơi bạn xuất bản bản audio (âm thanh) của riêng bạn và mọi người có thể nghe online trên các trang và ứng dụng về âm thanh như Apple Podcast, Google Podcast, Spotify…, người dùng cũng có đăng ký kênh của bạn và thậm chí tải offline về tệp tin âm thanh đó.
Mỗi một kênh Podcast sẽ mang một chủ đề bao quát sẽ bao gồm các tập với nhiều chủ đề riêng hoặc cả một series nhiều tập nối tiếp nhau.
Nội dung Podcast thường có 2 loại đó là:
-
Podcast solo (độc thoại)

Là loại podcast bạn là người nói một mình và cũng có thể là người tự thu âm, setup thiết bị, viết kịch bản, làm hậu kì.
-
Podcast đối thoại, chia sẻ, phỏng vấn

Đây là loại podcast có độ đa dạng nhất định và có khả năng thu hút người nghe rất tốt. Vì mỗi một tập podcast, bạn lại mời những khách mời khác nhau chia sẻ về những chủ đề khác nhau. Điều này đem lại nhiều cái nhìn và góc tiếp cận mới mẻ, tránh sự nhàm chán cho người nghe. Bạn cũng có thể đóng vai trò là người dẫn chuyện, phỏng vấn khách mời và vừa có thể là người kể chuyện, cùng khách mời trò chuyện và tranh luận.
2. Các chủ đề nổi bật khi xây dựng Podcast
Podcast được sử dụng nhiều nhất trong Ngành liên quan đến yếu tố Sáng tạo.
Đó có thể là một đoạn quảng cáo, một bài hát hay thậm chí là một cuộc đối thoại, tranh luận, trò chuyện,.. với nhiều chủ đề khác nhau. Theo thống kê những nội dung được mọi người quan tâm nhiều nhất là:

-
Các chủ đề về tin tức, thể thao, âm nhạc, phim ảnh, ẩm thực
-
Các chủ đề về tâm lý, tình cảm, tâm sự thầm kín.
-
Các chủ đề chuyên môn liên quan đến: Ngôn ngữ, Marketing, công nghệ, quản trị, đầu tư…
-
Các chủ đề về chữa lành, sống khỏe và Self-help.
3. Tiềm năng của kênh Podcast
-
Tính thuận tiện
Trong những khoảnh khắc không có khả năng dùng đến màn hình, quảng cáo và truyền tải nội dung bằng hình ảnh trở nên yếu thế. Sức mạnh của audio content thanh càng được khẳng định mạnh mẽ hơn. Với một kênh podcast người dùng hoàn toàn có thể cắm cái tai nghe vào và sau đó họ có thể vừa làm việc, vừa nấu ăn, vừa di chuyển… vừa nghe những hướng dẫn, chia sẻ, học những kiến thức từ kênh podcast của bạn.
-
Tính chủ động
Xây dựng một kênh Podcast không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, đồng thời cách truyền tải qua Podcast cũng như một cách khác để kể câu chuyện và để làm cho độc giả của bạn không cảm thấy nhàm chán.
Podcast sẽ là một cách tuyệt vời để bạn có thể kết nối tốt hơn với độc giả của bạn. Đây là hình thức truyền tải nội dung một chiều, thính giả có thể nghe bất cứ lúc nào, người tạo nội dung chủ động tạo sẵn những tập tin trên các kênh khác nhau. Thính giả nghe tiếng bạn nói, họ cảm nhận được âm giọng của bạn, họ sẽ có cả vì thế họ có cảm giác như được lắng nghe, kết nối với bạn.
-
Tính tiết kiệm
Trong thời đại số, Doanh nghiệp đòi hỏi phải đưa ra những chiến lược quảng bá thương hiệu dựa trên nền tảng đa kênh, đặc biệt với những doanh nghiệp nhỏ với nguồn ngân sách hạn hẹp thì các kênh Marketing “giá rẻ” cần phải được tận dụng.

Không cần đầu tư quá nhiều về mặt hình ảnh, quay phim, chỉnh sửa. Chỉ bằng việc sử dụng những công cụ sẵn có như phần mềm ghi âm trên điện thoại, hoặc một chiếc máy ghi âm chuyên nghiệp mua ngoài với giá chỉ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng là đã có thể bắt đầu xây dựng kênh Podcast.
-
Tính lâu dài và bảo mật cao
Hơn nữa với sự phát triển không ngừng của voice search (tìm kiếm bằng giọng nói) và các thiết bị loa thông minh tích hợp trợ lý ảo thì thời đại của âm thanh sẽ lên ngôi và còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.Tệp tin định dạng âm thanh cũng có khả năng lưu trữ và bảo quản rất dễ dàng.

Podcast rất phù hợp với những người làm sáng tạo “dấu mình”. Bạn không cần phải lộ mặt hay mất công sức đầu tư về mặt hình ảnh, nhờ đó bạn có thể thỏa sức sáng tạo mà không sợ những yếu tố tác động tiêu cực khác từ phía khán giả.
4. Những bước để xây dựng kênh Podcast
-
Chuẩn bị và lựa chọn thiết bị thu âm
Nếu bạn muốn thu âm một cách chuyên nghiệp. Bạn cần tai nghe có mic chống ồn, như vậy bản thu mới không bị lẫn tạp âm. Nếu bạn tìm thiết bị ghi âm giá phải chăng thì micro định hướng, loại điện động là lựa chọn thích hợp. Bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán dụng cụ âm nhạc.
Ngày nay, xuất hiện rất nhiều mềm thu âm tích hợp hiện đại (như Audacity) và phần mềm trả phí (Adobe Audition). Những phần mềm này đều rất dễ dàng để sử dụng, bạn có thể tự tìm tòi học hỏi qua các video hướng dẫn trên mạng.
-
Lập kế hoạch về thời gian và ngân sách
Thời lượng của podcast phải hợp với từng nội dung xây dựng. Một talkshow với thời lượng từ 30 phút đến 1 tiếng sẽ không khiến người nghe cảm thấy chán nản và mệt mỏi. Nếu là nội dung độc thoại và kể chuyện, tâm sự thì chỉ khoảng từ 15 đến 30 phút. Đối với quảng cáo, âm nhạc nên kết thúc nhanh chóng từ 10s đến 30s và có thể lặp đi lặp lại để tạo ám thị và khiến người nghe nhớ lâu.
Phân bổ ngân sách sẽ giúp bạn tạo ra được những thước đo thực tế về những gì mình có thể đạt được. Ngoài ra, việc dành thừa ra một khoản ngoài ngân sách còn giúp giải quyết được những chi phí phát sinh ngoài ý muốn. Việc thiết lập ngân sách còn giúp bạn quyết định được nên đầu tư vào nền tảng nào phát triển và quảng cáo cho kênh Podcast của mình. Lấy ví dụ, Spotify yêu cầu một mức ngân sách tối thiểu là $250 cho những quảng cáo cá nhân, trong khi Pandora lại yêu cầu $1500 mỗi tháng cho một chiến dịch quảng cáo cơ bản.
-
Thiết lập kịch bản
Cho dù Thương hiệu hay cá nhân Podcast, bạn đều phải vạch ra trước cho mình một kịch bản hoàn chỉnh, xem nên mở màn chương trình như thế nào, và khi nào nên chuyển sang câu chuyện khác. Lập dàn ý còn giúp bạn không bị ngừng, vấp khi nói.

Tóm lại, đó phải là một chủ đề rất cụ thể và bạn cần yêu thích cũng có độ am hiểu, kinh nghiệm nhất định về chủ đề đó. Bạn phải nhớ khi phát triển câu chuyện, nội dung và ý phát triển cần bám chặt và tập trung vào đúng chủ đề khai thác. Tránh sự lan man, lạc đề sẽ khiến người nghe mất hứng.
Ngoài ra nó còn giúp bạn tiết kiệm thời gian rất nhiều ở giai đoạn hậu kỳ, chỉnh sửa cắt ghép hay lọc âm phòng khi ngắc ngứ hay thừa ý, thiếu ý.
-
Tạo sự khác biệt của thương hiệu cá nhân
Việc xây dựng những nội dung hữu ích, độc đáo mang tính giáo dục cao sẽ giúp thương hiệu của bạn tách biệt hoàn toàn so với đối thủ.
Nói chuyện với tốc độ phù hợp, tự nhiên và truyền cảm hứng giúp bạn thể hiện rõ sự quan tâm và công sức bạn bỏ ra cho nội dung của mình.
Bên cạnh đó, bạn nên duy trì sự nhất quán về âm nhạc, giọng đọc, giọng văn cũng như cách biên soạn kịch bản, thông điệp quảng cáo để tạo dấu ấn riêng và tăng độ nhận biết. Bạn có thể lắng nghe một số podcast có nhiều lượt truy cập để lấy cảm hứng nhưng vẫn phải tạo được chất riêng và phong cách cho kênh của bạn.
5. Phát triển Podcast trên nền tảng nào
Các ứng dụng âm thanh nổi bật hiện nay, được nhiều người dùng ưa chuộng và có lượt nghe Podcast cũng như lượt truy cập khổng lồ phải kể đến như:

-
Spotify
Spotify là dịch vụ phát trực tiếp nhạc, podcast và video kỹ thuật số cho phép bạn truy cập hàng triệu bài hát và các nội dung khác từ các nghệ sĩ trên khắp thế giới.
-
Pandora Internet Radio (cũng được biết đến như Pandora)
là một dịch vụ âm nhạc trực tuyến và giới thiệu âm nhạc tự động do dự án Genome Music cung cấp.
-
Apple Podcast
Hiện có khoảng hơn 700.000 Podcast trên nền tảng iTunes. Con số đó càng chứng tỏ Apple là một ông lớn trong thị trường Podcast hiện nay. Người dùng có thể dễ dàng nghe Podcast thông qua ứng dụng miễn phí này, hoặc cũng có thể tải iTunes xuống máy tính cá nhân và tận hưởng Podcast trên đó.
-
Google Podcasts
Google Podcast là một ứng dụng có khả năng giúp bạn tìm kiếm hoặc phát hành Podcast miễn phí trên toàn thế giới, ngoài ra bạn còn có thể quản lý, chỉnh sửa các Podcast theo cách của riêng bạn một cách đơn giản nhất.
6. Những kênh Podcast “HOT” nhất tại Việt Nam cho dân làm Ngành
-
THE PRESENT WRITER
Đây là kênh podcast độc lập của Chi Nguyễn, Tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ, blogger và tác giả của cuốn sách “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”. Mỗi podcast có độ dài từ khoảng 15 phút đến 30 phút, xoay quanh các chủ đề về bài học cuộc sống, phát triển bản thân và chủ nghĩa tối giản.
-
AMATEUR PSYCHOLOGY
Amateur Psychology – Tay mơ học đời bằng Tâm lý học là kênh podcast của Nguyễn Đoàn Minh Thư, một du học sinh chuyên ngành tâm lý học. Nội dung podcast xoay quanh các vấn đề khoa học xã hội, thông qua các nghiên cứu và lý thuyết được chứng minh bằng thí nghiệm khoa học để giải mã những hiện tượng tâm lý trong đời sống hàng ngày một cách dễ hiểu.
-
HAVE A SIP
Đây là kênh Podcast trực thuộc Vietcetera. Kênh được dẫn dắt bởi Thuỳ Minh – chị là một nhà báo, MC, VJ, nhà biên kịch truyền hình, tác giả nổi bật trong cộng đồng sáng tạo Việt. Trong Podcast, Host sẽ mời các khách mời một đồ uống và cùng nhau trò chuyện về công việc của họ. Series Have A Sip quy tụ những người nhiều chữ, họ là content creator, họ viết sách, họ làm nhà báo, họ là dân creative…
-
ODDLY NORMAL
Bình thường một cách Bất thường đúng như tên gọi của nó. Đây là một Podcast rất thú vị và “kỳ lạ” được làm bởi một nhóm bạn là những du học sinh, thạc sĩ, tiến sĩ đến từ nhiều đất nước khác nhau trên thế giới. Series của Oddly có rất nhiều chủ đề đa dạng từ khoa học, chính trị, kinh tế đến tôn giáo, siêu nhiên, văn hoá,.. Mỗi tập đều có độ dài “khủng” và thính giả sẽ phải choáng ngợp với lượng kiến thức khổng lồ mà nó mang tới.
-
M.A.D
Đây là kênh Podcast được thực hiện bởi Vietcetera và The Lab Saigon. M.A.D có nghĩa là Marketing, Art và Design. Mỗi tập sẽ mời một khách mời làm việc trong lĩnh vực sáng tạo. Khách mời thường là các lão làng trong Ngành Sáng tạo. Sau đó, Host và khách mời sẽ thảo luận về những câu hỏi và chủ đề được gửi đến bởi thính giả.
Trong những năm trở lại đây, có thể thấy thị trường dịch vụ âm thanh đang ngày một nở rộ với sự bùng nổ của những ứng dụng nghe nhạc trực tuyến như Spotify, Pandora, Apple Music,… Xây dựng nội dung bằng âm thanh chắc chắn sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu cho Marketer ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.